Đừng trông chờ một năm mới tốt đẹp…
Cứ đến tầm này, ai trong chúng ta cũng ngập trong những lời chúc. Nào là năm mới tốt lành, năm mới mạnh khoẻ, năm mới phát đạt, năm mới cái gì cũng hơn năm cũ. Toàn những thứ hứa hẹn tương lai tươi sáng cả. Chúng ta nghe xong cũng lâng lâng cảm xúc, tràn trề hy vọng vào một cụm 365 cái ngày sau sẽ hay ho thú vị ý nghĩa hoành tráng hơn 365 cái ngày trước.
Rồi kỳ nghỉ kết thúc, chúng ta quay lại với nhịp sống bình thường. Chúng ta làm việc hoặc học tập với nhịp độ và thái độ y hệt năm cũ, thậm chí còn uể oải trì trệ hơn. Chúng ta tiếp tục gác lại những điều mà chúng ta muốn/định làm lắm rồi nhưng luôn có lý do nào đó để ngại ngùng hoặc ngập ngừng. Thời gian cứ thế trôi đi. Rồi một năm mới lại đến, chúng ta lại trao cho nhau những lời chúc, nhận từ nhau những lời chúc và lại hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn. Cứ thế, cứ thế… Chẳng mấy chốc mà hết đời!
Vì vậy, thay vì chúc nhau rồi cùng nhau (ì ra, há miệng) trông chờ một năm mới tốt đẹp từ đâu đó rơi xuống, chúng ta hãy chơi trò chơi ba bước này xem sao.
1. Lập danh sách những mục tiêu cho năm mới
Hãy liệt kê vài thứ mà chúng ta muốn làm hay muốn có được trong năm mới. Danh sách không nên dài quá, cũng không nên bao gồm những thứ xa vời quá, kẻo chưa lập xong danh sách đã thấy nản. Tốt nhất là danh sách nên giới hạn ở 5-7 gạch đầu dòng, trong đó có khoảng 1-3 mục đòi hỏi sự cố gắng hơn mức bình thường một chút. Ví dụ:
Đi du lịch nước ngoài
Bái bai cái công ty dở hơi đang làm
Học một môn gì đó mới
Giảm 3 kg
Viết 50 bài cho blog
Đọc xong 100 cuốn sách
Sau khi đã có danh sách phù hợp, ta có thể biến nó thành một cái gì đó đập vào mắt như một tờ giấy A4 có font chữ vui nhộn và ảnh minh hoạ dán trên cửa tủ lạnh hoặc một bài đính trên đầu trang blog để bản thân thường xuyên được nhắc nhở.
2. Vạch ra con đường hoàn thành những mục tiêu đó
Hãy kiếm quyển sổ hay tập giấy, nghĩ ngợi và tính toán một chút để xem với mỗi mục tiêu, ta cần làm những gì và làm trong bao lâu mới có thể đạt được nó. Ví dụ: Để mua được một món đồ đắt tiền, ta phải tiết kiệm mỗi tháng ngần này, bằng cách như này. Để viết được 50 bài cho blog, mỗi tuần ta phải viết 1 bài và cần chuẩn bị sẵn chừng ấy đề tài. Để bái bai công ty, ta cần tiết kiệm tiền để đủ tiêu trong một vài tháng thất nghiệp và rải thảm hồ sơ trên trang Vietnamworks… Dựa trên kết quả nghĩ ngợi tính toán, ta đã có thể xếp hạng những mục tiêu của ta theo mức độ nặng (khó) dần.
3. Chọn ra 1-2 mục tiêu và thực hiện
Hãy chọn ra 1-2 mục tiêu vừa phải (tức là ở lưng chừng bảng xếp hạng theo độ nặng/khó kia) và biến những việc cần làm để hoàn thành mục tiêu ấy thành những hạng mục công việc cần làm trong tuần. Đầu tuần, chúng ta liệt kê những việc cần làm trong tuần vào sổ tay, blog, trang mạng xã hội hoặc điện thoại, có thể kèm theo một hình thức tự trừng phạt nào đó để tăng thêm động lực cố gắng. Đến cuối tuần, hãy nhìn lại danh sách đó xem đã làm xong được bao nhiêu việc để điều chỉnh cho tuần tiếp theo. Nếu cứ bền bỉ làm như vậy trong vài tuần, ít nhất chúng ta cũng có 1-2 mục tiêu của năm được hoàn thành. Mà một khi đã xong được 1-2 mục tiêu, thì chúng ta sẽ hăm hở chiến đấu tiếp với những mục tiêu còn lại thôi.
Giờ thì các bạn đoán được cái gì đằng sau dấu ba chấm ở tên bài chưa?
Đừng trông chờ một năm mới tốt đẹp, hãy dần dần bồi đắp nó!