(SVVN)Nhìn vào cơ cấu ngành nghề và số lượng hồ sơ thí sinh đã nộp, các chuyên gia giáo dục nhận định, xu hướng chọn nghề của thí sinh ngày càng thực dụng. Theo đó, thí sinh chỉ quan tâm đến nhóm ngành dễ tìm được việc làm và có thu nhập cao.
Ngại học ngành thu nhập thấpỞ mùa tuyển sinh 2012, xu hướng chọn ngành của thí sinh ngày càng phân hóa rõ rệt. Thí sinh chỉ nhìn vào các ngành có mức lương cao, dễ xin việc làm. Còn các ngành mức lương thấp, ít cơ hội thăng tiến thì có rất ít hồ sơ. Chỉ nhìn vào địa bàn TP. HCM cũng có thể thấy được thực tế này: Năm nay, trường THPT Gia Định có 2.448 thí sinh dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng chỉ có 5 hồ sơ thi khối C. Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng chỉ có 5 thí sinh thi vào các ngành Xã hội. Tương tự, trong số hàng ngàn hồ sơ dự thi tuyển sinh của các trường THPT: Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu, Marie Curie… chỉ có vài hồ sơ thi khối C vào các ngành Xã hội.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho rằng: "Xu hướng thí sinh ít chọn các ngành thuộc khối C là do có quá ít các trường tuyển sinh, đào tạo khối ngành Xã hội. Vì vậy, cơ hội trúng tuyển rất ít. Các khối thi khác, thí sinh không trúng tuyển vào ngành này có thể xét tuyển vào ngành kia nhưng thi khối C vào các ngành Xã hội thì cơ hội xét tuyển hẹp hơn rất nhiều". Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên nhân chính dẫn đến việc thí sinh ít chọn các ngành Xã hội mà đổ xô vào các ngành Kinh tế là do sinh viên học các ngành Xã hội ra trường thường khó tìm việc, lương thấp. Vì vậy, thí sinh không mặn mà.
Để thí sinh chọn các ngành Xã hội, Bộ GD - ĐT nên tạo cơ chế để các trường đại học xét tuyển thay vì thi tuyển như hiện nay. Chính phủ cũng cần có cơ chế nâng lương, tạo việc làm cho sinh viên ngành Xã hội để thu hút sinh vào học. Ông Trần Tuấn Anh thông tin: Hiện tại, việc đào tạo các ngành thuộc khối Xã hội chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu xã hội. Các ngành đang cần nhiều nhân lực là: Xã hội học, Lưu trữ, Công tác xã hội, Nhân học, Tâm lý học, Quản lý văn hóa, Bảo tàng, Địa lý, Lịch sử… Vì vậy, nếu thí sinh học những ngành này thì cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường rất dễ dàng.
Thí sinh nộp hồ sơ thi vào trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc Gia TPHCM)
tại Sở GD-ĐT TPHCM
Lý giải về việc thí sinh ngại học các ngành Xã hội, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình (TP. HCM) cho rằng, đặc trưng của học sinh các trường dân lập là phần lớn sinh ra trong gia đình làm kinh doanh. Các bạn đăng ký vào nhóm ngành Kinh tế trước hết để phục vụ nhu cầu của gia đình. Theo thầy Linh, tại trường có tới 70% thí sinh chọn học nhóm ngành Kinh tế. Hầu như không có thí sinh nào học các ngành Xã hội.
Kinh tế vẫn là số 1
Trong khi các ngành Xã hội bị quay lưng thì khối ngành Kinh tế lại tiếp tục áp đảo và nhận được phần lớn hồ sơ dự thi. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT tại TP. HCM, hiện tại, ông đã nhận được trên 12.000 hồ sơ đăng ký dự thi, với hơn 70% hồ sơ dồn vào nhóm ngành Kinh tế. Hồ sơ các nhóm ngành khác như: Xã hội - Nhân văn, Kỹ thuật, Sư phạm... rất ít. Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Điều này chứng minh rằng, xu hướng chọn nghề của thí sinh ngày càng thực dụng. Những ngành thí sinh lựa chọn đều là các ngành có mức thu nhập cao, được xã hội trân trọng. Có lẽ, công tác hướng nghiệp còn yếu nên thí sinh chưa mặn mà với các ngành khác".
Tại trường THPT Gia Định (TP. HCM) nhận hơn 2.000 hồ sơ, trong đó nhiều nhất vẫn là khối A, khối B, D1. Còn theo trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thí sinh ở trường vẫn có xu hướng thích ngành Kinh tế. Hiện tại, trường đã nhận được 2.852 hồ sơ nhưng nhóm ngành Kinh tế vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo, với 1.275 hồ sơ. Nhiều trường còn lại có lượng hồ sơ từ 1.000 - 2.500 hồ sơ nhưng thống kê ban đầu cũng cho thấy thí sinh chọn các ngành như: Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Y dược, Công nghệ... chiếm số lượng đáng kể. Theo thống kê, các trường đại học, cao đẳng mà thí sinh đua nhau nộp hồ sơ vào là: Trường ĐH Ngân hàng, trường ĐH Tài chính - Marketing, trường ĐH Kinh tế, trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, trường ĐH Tôn Đức Thắng… Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện tại cung và cầu nguồn nhân lực của khối Kinh tế đã gần bằng nhau. Trong 5 năm tới, khi thí sinh hiện tại đã tốt nghiệp đại học thì số lượng cung đã vượt cầu. Vì thế, những thí sinh đổ xô nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế hiện nay sẽ rất khó tìm được việc làm.
Những năm qua, mùa tuyển sinh nào thí sinh cũng đổ dồn hồ sơ vào khối ngành Kinh tế. Việc này sẽ tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực của đất nước. Theo nhiều chuyên gia, việc thu hút sinh viên vào các ngành khác chỉ có hiệu quả khi khối ngành Xã hội - Nhân văn, Sư phạm… sinh viên ra trường có việc làm ổn định và sống được với nghề.n
Ý kiếnHọc sinh Lê Thị Thúy, trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP. HCM:
KHÓ SỐNG VỚI NGÀNH XÃ HỘI Trong lớp mình hầu như không ai nộp hồ sơ dự thi vào các ngành xã hội. Theo mình, thu nhập là yếu tố cốt lõi để quyết định việc chọn nghề. Trước khi chọn vào ngành Quản trị kinh doanh, trường ĐH Tôn Đức Thắng, mình cũng được thầy cô, gia đình tư vấn chọn một số ngành khác. Nhưng mình nghĩ, nếu chọn ngành xã hội, khi ra trường làm sao mình sống được với nghề. Nếu lương của các ngành xã hội mà cao như kinh tế, thí sinh cũng sẽ đổ dồn vào ngành này thôi.
ThS Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM:
CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN LỚN Theo tôi, thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào ngành kinh tế là do các trường đua nhau mở ngành kinh tế nên chỉ tiêu ngành này cao, cơ hội trúng tuyển lớn. Ngược lại, ngành xã hội thi rất khó và kết quả trúng tuyển thường không cao nên thí sinh rất ngại. Bộ GD - ĐT nên cho các trường đào tạo khối ngành xã hội - nhân văn xét tuyển đầu vào để cân đối cơ cấu nhân lực của đất nước.
SÁNG TẠO CƠ KHÍ LÀ NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Ở Việt Nam có một thực tế là hầu như những học sinh giỏi nhất hiện nay, khi nộp hồ sơ thi ĐH đều chọn những ngành thuộc nhóm kinh tế. Ông nghĩ sao về xu hướng này?
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen: Tôi muốn nói là trong mọi thời điểm thì những sáng tạo về chế tạo cơ khí vẫn là nền tảng cho phát triển kinh tế của một quốc gia. Như nước Đức, kinh tế của họ đã phát triển rất tốt vì họ dựa vào nền kinh tế công nghiệp. Xu hướng này có thể vì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng có thể người ta nghĩ đơn giản là dễ làm giàu với những ngành kinh tế. Nhìn vào một người giàu có, người ta thường nghĩ mình nên học về kinh doanh để được thành đạt như vậy. Nhưng muốn phát triển kinh tế thì các bạn không thể cứ chú trọng đến nguồn nhân công lao động rẻ, các bạn cần chú ý đến nguồn lao động lành nghề để các bạn là nhà sản xuất ra sản phẩm đó chứ không phải là nhà sản xuất "hộ".
Quế Sơn