31% người tham gia khảo sát cho biết đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh, xin việc trong khu vực nhà nước. Trong lĩnh vực giáo dục, 17% người được hỏi đã phải hối lộ để con em được quan tâm hơn.[b]
Sáng 3/5, hội thảo công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2011 diễn ra tại Hà Nội. Cơ quan nghiên cứu đã thăm dò 13.640 người - quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề quản trị và hành chính công.
PAPI 2011 khảo sát 6 lĩnh vực lớn, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Cuộc khảo sát nhằm cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng quản lý nhà nước ở 63 tỉnh, thành.
Về vấn đề tham nhũng trong khu vực công, 31% người được hỏi cho biết đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh, xin việc trong khu vực nhà nước. Hai phần năm cho biết cần lót tay khi đi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
17% người được hỏi cho biết phải hối lộ để con em được quan tâm hơn. Cụ thể, mỗi học kỳ trung bình những phụ huynh này phải chi 1,2 triệu đồng tiền "phong bì" cho giáo viên, có người phải chi tới 10 triệu đồng. Còn mức chi cho bác sĩ thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng một năm. Hành vi nhũng nhiễu của y, bác sĩ thường xuyên xuất hiện ở bệnh viện tuyến quận, huyện. Tại Quảng Ngãi, 100% số người được hỏi trả lời phải đưa thêm tiền ngoài cho y, bác sĩ. Tỷ lệ thấp nhất là tại Đăk Nông với 19,83%.
Đa số người dân cho rằng chính quyền tỉnh, thành phố chưa xử lý nghiêm các vụ tham nhũng được phát hiện. Tỷ lệ này ở Hà Nội là cao nhất 50,66%, thấp nhất là Bạc Liêu 5,39%.
Long An là tỉnh đứng đầu trong cả sáu lĩnh vực được khảo sát PAPI. Ảnh: BNV.
Trong lĩnh vực đất đai, chỉ số PAPI cho thấy phần lớn người dân không biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Có đến 8 trên 10 người được hỏi không biết về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của xã, phường. Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận đất cũng là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất trong bốn loại thủ tục và dịch vụ hành chính công được đo lường qua khảo sát PAPI năm 2010 và 2011.
Long An là tỉnh duy nhất trên cả nước đứng đầu về mức độ hài lòng trong cả sáu lĩnh vực được khảo sát. Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được người dân đánh giá có hoạt động hành chính công khá tốt. Trong khi đó, Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi đứng cuối với mức điểm rất thấp.
Hà Nội được đánh giá cao nhất ở nội dung cung ứng dịch vụ công, tham gia của người dân ở cấp cơ sở và công khai, minh bạch. Ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng, Hà Nội lại đạt chỉ số thấp. TP HCM đạt điểm cao ở nội dung công khai, minh bạch, kiểm soát tham nhũng và cung ứng dịch vụ công. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân ở thành phố này lại chưa được những người tham gia khảo sát đánh giá cao.
Ông Hà Công Long, Phó ban Dân nguyện Quốc hội, thành viên ban tư vấn cho biết, chỉ số PAPI sẽ là nguồn để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia chất vấn và góp ý, nhất là trong vấn đề làm luật. Những vấn đề nào mà người dân chưa hài lòng thì đại biểu sẽ có trách nhiệm góp ý.
Trưởng ban tư vấn Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) cũng cho rằng, PAPI sẽ được sử dụng như một công cụ đánh giá công tác quản trị và hành chính công từ bên ngoài. Người dân tham gia đánh giá, khắc phục những khiếm khuyết, chuyển nền hành chính sang phục vụ dân.
"Đây có thể coi là một quyết tâm chính trị trong cải cách hành chính", ông Phúc nói.
Chỉ số PAPI do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Tạp chí Mặt trận (UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Ban dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện.
Hoàng Thùy