Tích cực học tập để thi đỗ đại học
Thi đại học là một thử thách lớn. Mỗi thí sinh cần có quá trình học tập tích cực ngay từ ban đầu. Tích cực không chỉ đơn thuần là đến lớp hàng ngày và làm bài tập đầy đủ. Tích cực là chia thời gian biểu và đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngày, từng tuần.[You must be registered and logged in to see this link.]Nếu bạn không hiểu rõ vấn đề nào đó hãy can đảm đặt câu hỏi. Những người thi đậu đại học không phải là thiên tài. Họ là người tin rằng đáp án cho câu trả lời nằm đâu đó trong sách giáo khoa. Họ học sách giáo khoa rất kỹ, nắm vững những công thức căn bản và không mải miết chạy theo các bài toán khó.
Tất nhiên đề thi đại học có những câu phân loại thí sinh. Theo tôi, bạn không cần phải cố gắng làm hết tất cả, chỉ cần làm đúng những phần căn bản là đủ vượt điểm sàn. Nếu đó là một bài toán khó, bạn cũng không nên để trống. Bạn nên khai triển, làm tập xác định hoặc làm tất cả những gì có thể. Dù không ra được đáp án nhưng những phần bạn làm đúng vẫn được tính điểm. 0,2 hay 0,25 trong thi đại học đều rất đáng quý.
Cắn bút trong giờ thi là rất lãng phí thời gian, vì bạn sẽ không bao giờ nghĩ ra được câu trả lời nếu chỉ mở mắt để nhìn đề bài. Tốt nhất, bạn nên lấy nháp và cố giải bài toán theo nhiều cách. Có thể trong lúc đang cố thử một cách nào đó bạn lại thấy được con đường đúng cho lời giải. Theo tôi, việc luôn giữ bàn tay cầm bút trong trạng thái đang viết là điều quan trọng. Bạn cũng nên ưu tiên làm những câu dễ trước.
Thí sinh cần chắc chắn rằng mình sử dụng thành thạo máy tính, đó là một lợi thế. Nếu máy tính của bạn trước giờ dùng vẫn ổn thì không nên mua cái mới cho kỳ thi đại học. Đôi khi, máy mới có thể gặp trục trặc hoặc dùng không quen các phím. Bút thước và các dụng cụ khác cũng như thế.
Ôn thi đại học nên bám chắc vào kiến thức căn bản. Ảnh minh họa
Những thí sinh thi khối C hay D đều biết được sự khó khăn của việc ghi nhớ tất cả. Lời khuyên là đừng cố học thuộc ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Não người tuy rất huyền diệu nhưng cũng cần có thời gian để sắp xếp lại các thông tin, để lưu trữ. Cách tốt nhất là đọc qua một lần và đảm bảo rằng mình hiểu nội dung của vấn đề. Sau đó, bạn có thể đi chơi, thư giãn hoặc học một bài khác. Khi đọc lại lần hai, bạn sẽ thuộc nhanh và dễ dàng hơn là cố học thuộc ngay lần tiếp xúc đầu tiên.
Phương châm của tôi là đã đọc thì nên gạch dưới những ý quan trọng, ghi chú những lời giải thích, tô màu những con số và ngày tháng. Nếu bạn đọc rồi mà để quyển sách trắng tinh thì cũng coi như chưa đọc. Việc gạch dưới và tô màu sẽ giúp tạo ấn tượng sâu hơn. Nếu bạn tô màu kín hết trang giấy thì lại phản tác dụng.
Những thí sinh vừa tốt nghiệp phổ thông thường cảm thấy bối rối trong việc chọn địa chỉ luyện thi cấp tốc. Để thi đậu đại học cần có quá trình rèn luyện lâu dài. Những lời rao về khả năng luyện thi siêu tốc thường không đáng tin cậy và thiên về phương pháp nhồi nhét. Điều đó rất có hại khi làm rối loạn những vốn hiểu biết căn bản.
Bạn nên ghi nhớ, sách giáo khoa luôn đúng. Ít nhất là đáp án của bộ nằm trong sách giáo khoa. Khi bạn gặp một tài liệu trao tay có nội dung khác sách giáo khoa hãy can đảm từ chối. 500 bài toán khó hay 63 cách giải hàm lượng giác đều là những thứ dùng để làm chơi trong lúc rảnh rỗi. Khi đi thi, thí sinh rất khó để có đủ bình tĩnh và thời gian để nhớ ra nó thuộc dạng nào trong 63 dạng. Nếu có nhớ ra thì cũng rất dễ sa lầy vì đề bài thường rất biến hóa, cần sự hiểu, đôi khi là sự sáng tạo.
Đại học có thể thi lại nhiều lần. Bản thân tôi cũng đã thi đại học hai lần do định hướng ngành học không tốt. Học đại học là học nghề. Cái nghề sẽ theo chân bạn suốt cuộc đời, đừng vội vã. Những bạn mới tốt nghiệp phổ thông không nên quá căng thẳng hay cố tìm một nơi hạ cánh an toàn. Vì sau này, có thể bạn lại cảm thấy chán nản do không thực sự thích theo ngành đó.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên tự ti về khả năng bản thân. Các bạn vừa trải qua cuộc thi tốt nghiệp với rất nhiều môn dàn trải, có thể bạn chưa tập trung hết sức vào những môn thi đại học. Nếu không đậu năm nay, bạn sẽ có cả một năm dài để ôn luyện, quan trong là luôn giữ quyết tâm cao độ.
Những người thi đậu đại học không phải là thiên tài. Họ là những người tin rằng đáp án cho câu trả lời nằm đâu đó trong sách giáo khoa. Họ học sách giáo khoa rất kỹ, nắm vững những công thức căn bản và không mải miết chạy theo các bài toán khó.
Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm thi đại học của tôi, mong rằng phần nào sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn thí sinh thành công trong kỳ thi đại học sắp tới!
Dương Thị Thanh