Thầy giáo 26 năm tìm mộ Quang Trung
Những ngày đầu tháng 5 này, tôi lại gặp ông Trần Viết Điền lọ mọ lên lăng Ba Vành ở khu vực đồi Thiên An, thành phố Huế. Lần này ông tiếp tục chứng minh rằng lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung với một phương pháp mới: Đo tuổi gạch.Ông Trần Viết Điền.
Tôi thoáng rùng mình khi nhẩm nhớ, vậy là đã hơn 26 năm người đàn ông này đi tìm mộ Quang Trung, có khởi đầu nhưng chưa biết ngày kết thúc…
Số phận…
Người đàn ông 57 tuổi này luôn “đè nặng” người đối diện bởi ánh mắt chất chứa nỗi u hoài, đơn độc, nhất là khi chuyện liên quan đến Vua Quang Trung. Khác với nhiều người giải mã bí ẩn lăng mộ Vua Quang Trung vốn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người chứng minh cung điện Đan Dương chính là lăng mộ Vua Quang Trung, ông Trần Viết Điền “xuất thân” là một giảng viên vật lý ở Trường Đại học Sư phạm Huế.
“Đó là số phận của tôi” - ông trả lời cho thắc mắc của rất nhiều người rằng vì sao ông lại bỏ gần như hết công sức và tâm huyết của cả đời mình để đi tìm dấu tích lăng mộ Vua Quang Trung. Ông nói: “Cũng như mọi người, tôi được học lịch sử từ nhỏ. Và khi nhắc đến vị anh hùng dân tộc Quang Trung, ai trong lòng cũng bập bùng một ngọn lửa tự hào, ngưỡng mộ...”.
Tuy vậy, sẽ không có gì đáng nói nếu không có “sự kiện” năm 1986, trong một lần ghé nhà cụ Nguyễn Hữu Đính ở Huế, cụ Đính tâm sự với ông Điền rằng mình đang làm một công trình nghiên cứu công phu về dấu tích lăng mộ Vua Quang Trung, đã gửi đi khắp nơi, nhưng ai cũng... im lặng.
Ông Điền hỏi mượn công trình của cụ Đính về xem thử và “tôi nhào vô từ đó”. Lý do mà ông Điền “nhào vô” là “khi đọc xong công trình của cụ Đính, tôi hiểu được vì sao người ta im lặng. Họ im lặng là bởi cụ Đính đã chứng minh rằng lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung, nhưng các luận điểm để chứng minh lại thiếu thuyết phục (trước giờ người ta cho đó là lăng Đức ý hầu Lê Quang Đại - một vị quan dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Tôi tiếp tục chứng minh rằng lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung, nhưng tôi đi theo một hướng mới với những chứng cứ mới, khác hoàn toàn với cụ Đính”.
Nhiều năm sau đó, ông Trần Viết Điền đã đưa ra được rất nhiều chứng cứ quan trọng để chứng minh rằng, lăng Ba Vành không phải là lăng mộ của Đức ý hầu Lê Quang Đại mà chính là lăng mộ Vua Quang Trung. Chứng cứ thuyết phục đến mức, TS sử học Đỗ Bang (bây giờ là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế) đã phát biểu công khai tại một buổi thuyết trình về lăng mộ Vua Quang Trung của ông Điền rằng: “Nếu lăng đó (lăng Ba Vành) không phải là lăng của Hộ bộ Lê Quang Đại thì phải là lăng của Vua Quang Trung, căn cứ trên những tư liệu hiện có”. Tuy vậy, những điều ông Điền nói lại rơi vào im lặng.
Không nản chí, ông Điền tiếp tục tìm thêm tư liệu để chứng minh. Ông tìm đến khảo cổ học và đã chứng minh gạch xây lăng Ba Vành chính là gạch thời Tây Sơn. Tìm đến phong thuỷ để chứng minh cuộc đất lăng Ba Vành chính là một cát địa chỉ dành riêng cho đế vương. Sử dụng kinh dịch và nhiều cứ liệu lịch sử để chứng minh từ cổng tam quan, tân nguyệt trì (ao trăng non trước lăng), 9 con rồng... ở lăng Ba Vành là lăng một hoàng đế. Thế nhưng, mọi việc vẫn chỉ nhận được sự im lặng hoặc không đồng tình của nhiều giới.
Sau đận đó, ông im lặng một thời gian dài. Tưởng ông đã bỏ cuộc. Nhưng mới đây gặp lại, ông làm chúng tôi bất ngờ khi cho biết vẫn đang theo đuổi việc bổ sung tư liệu. Lần này là một đề tài nghiên cứu cấp trường đại học: “Về phương pháp đo tuổi gạch lăng Ba Vành dựa vào nhiệt, huỳnh, quang, quang phổ” với tổng kinh phí 4,5 triệu đồng. “Đây là phương pháp đo độ tuổi gạch mới được thế giới áp dụng hơn 15 năm nay (trước đây là phương pháp đồng vị carbon có sai số đến +- 50 năm), hiện đã được giới khảo cổ Việt Nam áp dụng cho sai số thấp hơn.
Lăng Ba Vành. Ảnh: H.V.M
26 năm buồn nản
Ông Trần Viết Điền khẳng định, đo tuổi gạch có thể là phương pháp cuối cùng để ông chứng minh lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung. Tuy vậy, ông không lạc quan đến mức cho rằng, sau khi mình đo xong tuổi gạch, mọi việc sẽ đi đến kết luận cuối cùng.
“Sắp tới, tôi sẽ tập hợp tất cả thành một tập khảo luận, in ấn nghiêm túc để gửi đến Viện Sử học, Viện Khảo cổ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và những ai quan tâm... Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng sớm thám sát, khai quật khảo cổ học về lăng Ba Vành để sớm có kết luận chính thức như lời hứa của GS Phan Huy Lê trong nhiều hội nghị về Vua Quang Trung ở Huế”.
Ông thở dài: “Công trình tôi theo đuổi quá dài hơi. 26 năm qua coi như là hết nửa đời người. Nếu người ta kết luận rằng tôi đã sai, tất nhiên là tôi sẽ buồn lắm. Nhưng tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có kết quả, chứ để mãi như thế này...”.
“Đôi khi tôi cô đơn và buồn nản vô cùng vì gia đình rất khó khăn, nhưng số tiền tiêu vào việc nghiên cứu quá lớn” - ông nói. Ban đầu bà Hiệp - vợ ông - còn ủng hộ chồng, nhưng sau này bà không ủng hộ nữa vì thấy chồng ngày đi dạy, đêm thức tới 2 - 3 giờ sáng để nghiên cứu tư liệu; rồi cuối tuần phải đi thực địa nên không bao giờ có mặt ở nhà. Kết quả không thấy đâu, chỉ thấy... hậu quả là bao nhiêu tiền của trong nhà ra đi hết.
Nhiều người thắc mắc: Luận chứng nào ông đưa ra để chứng minh rằng lăng Ba Vành là lăng mộ Vua Quang Trung cũng đều bị phản bác kịch liệt hoặc rơi vào im lặng; khó khăn, buồn nản như vậy, nhưng vì sao ông có thể chịu đựng để theo đuổi đến 26 năm trời và hứa hẹn sẽ còn rất nhiều năm nữa vẫn chưa có hồi kết?
Ông cười: “Cái này thuộc về bản chất của tôi. Hồi còn đi học, tôi rất đam mê giải toán. Toán khó cỡ nào tôi cũng tìm mọi cách giải cho được mới thôi. Với lăng mộ Vua Quang Trung cũng vậy. Khi chưa có kết luận cuối cùng, dù khó khăn đến mấy, thời gian có dài đến mấy, tôi cũng theo đuổi tới cùng”.
Từ xuất phát điểm là một người ngoại đạo với lịch sử văn hoá, sau hơn 26 năm nghiên cứu về lăng mộ Vua Quang Trung, ông Trần Viết Điền trở nên rành rõi không chỉ lịch sử văn hoá Huế và triều Nguyễn, mà còn có sự hiểu biết sâu rộng về các triều đại trước, kể cả lịch sử văn hoá Chăm bằng hàng chục bài báo, công trình được công bố trong thời gian qua được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá rất cao. Hỏi ông có tham lam quá không khi nghiên cứu đến nhiều vấn đề khác ngoài Vua Quang Trung, ông lắc đầu: “Trong quá trình nghiên cứu về Quang Trung, có rất nhiều khi tôi bị tắc, rồi chán nản nên viết thêm về các vấn đề khác khi tìm thấy tư liệu để giải toả thôi, chứ tôi không có tham vọng khác...”.
Ông tâm sự, trong những năm tháng theo đuổi đề tài lăng mộ Vua Quang Trung, ông đã mắc nợ ân tình với rất nhiều người, trong đó “nghiêm trọng” nhất là vợ mình. Ông rưng rưng: “Tôi mắc nợ bà vợ tôi nhiều lắm. Vợ tôi như vợ Tú Xương vậy”. Rồi ông cười: “Niềm an ủi lớn nhất của tôi bây giờ là hai con trai rất thành đạt. Tất cả đều do một tay bà ấy nuôi dạy cả...”.
Ông Trần Viết Điền sinh năm 1955, tại Huế; tốt nghiệp cử nhân lý - hoá, Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1977. Lúc còn sinh viên, ông đã nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học với công trình: “Sự chuyển hoá giữa trường và chất” - tìm câu trả lời cho dấu hỏi: Tổng năng lượng của con người thông qua ăn uống hằng ngày không đủ cấp cho các hoạt động của con người, vậy năng lượng bù đắp ấy từ đâu ra, phải chăng xuất phát từ siêu năng lượng do sự tương tác lượng tử trong não bộ thông qua hoạt động tư duy?
Cũng thời sinh viên, ông bắt đầu triển khai nghiên cứu đề tài “Về siêu nguyên tử electron - nơtrinô”. Và sau 13 năm nghiên cứu, năm 1984 ông chứng minh trước hội nghị về vật lý do Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội tổ chức rằng năng lượng từ hạt nơtrinô trên lớp vỏ electron lớn gấp triệu lần năng lượng hạt nhân trên nguyên tử. Đề tài này được đánh giá cao, dù độ chính xác còn cần được kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Đáng tiếc là sau đó, do không có một cơ sở thực nghiệm để chứng minh, một phần do ông chuyển hướng nghiên cứu, “nhào vô” với đề tài đi tìm lăng mộ Vua Quang Trung nên đề tài trên đến nay vẫn còn bỏ lửng.[table]
Theo
Hoàng Văn Minh Lao động